Kỹ thuật bón phân cân đối, hợp lý và hiệu quả cho cho cây trồng

Bón phân hợp lý là sử dụng lượng phân bón đảm bảo năng suất thu hoạch như mong muốn, đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất; đồng thời không để tồn dư trong sản phẩm thu hoạch cũng như không gây ảnh hưởng đến môi trường. Giải pháp chính để đảm bảo điều này là bón phân đúng kỹ thuật theo các nguyên tắc cơ bản sau đây:

 1. Bón phân cân đối

Cây trồng có nhu cầu dinh dưỡng ở những lượng và tỷ lệ nhất định. Thiếu hay thừa một chất dinh dưỡng nào đó, cây sẽ sinh trưởng phát triển kém. Các nguyên tố dinh dưỡng không chỉ tác động trực tiếp lên cây mà còn có ảnh hưởng qua lại lẫn nhau, có thể làm tăng hay cản trở sự hấp thu của cây, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.

Mỗi loại cây trồng có nhu cầu về lượng và tỷ lệ các chất dinh dưỡng khác nhau. Lượng và tỷ lệ các chất dinh dưỡng đối với mỗi cây trồng còn phụ thuộc vào lượng phân bón được sử dụng và loại đất trồng. Trong bón phân, cần chú ý đến nhu cầu của cây, đặc điểm lý, hóa tính của đất trồng, năng suất thu hoạch mong muốn... quyết định lượng phân bón, loại phân bón, phương pháp bón phù hợp, cân đối, nhằm ổn định và cải thiện độ phì nhiêu của đất, chống rửa trôi, ô nhiễm môi trường; tăng năng suất thu hoạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm thu hoạch, nâng cao hiệu quả của phân bón và của các biện pháp kỹ thuật canh tác khác.

 

2. Bón đúng loại phân

Có rất nhiều loại phân bón cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng. Tuy nhiên, mỗi loại phân có những đặc điểm riêng và có tác dụng khác nhau đối với cây trồng. Do đó, khi bón phân cho cây cần phải bón đúng loại cây trồng cần, có như vậy cây mới hấp thu và sinh trưởng phát triển tốt. Nếu bón loại phân không đúng với nhu cầu của cây thì không những gây lãng phí mà còn ảnh hưởng xấu đến sự sinh trưởng của cây cũng như môi trường. Đúng loại phân không những dựa vào nhu cầu của cây mà còn phải dựa vào đặc điểm và tính chất của đất. Đất chua không nên bón các loại phân có chứa axít. Ngược lại, đất kiềm không nên bón các loại phân có tính kiềm cao.

3. Bón đúng lúc, đúng lượng

Đối với cây trồng, nhu cầu về dinh dưỡng thay đổi tùy theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây. Có giai đoạn cây cần nhiều đạm hơn kali, ngược lại, có giai đoạn cây cần nhiều kali hơn đạm... Bón phân đúng thời điểm cây cần thì mới phát huy được hiệu quả của phân bón.

Cây trồng có nhu cầu về dinh dưỡng suốt cả chu kỳ sinh trưởng phát triển. Do đó, khi bón phân cho cây, cần chia ra nhiều lần và bón vào lúc cây cần, để cây hấp thu được hiệu quả nhất đối với các loại phân bón. Tránh bón một lượng quá nhiều vào một lúc, vì nồng độ và liều lượng phân bón quá cao sẽ gây ngộ độ cho cây, ảnh hưởng xấu đến bộ rễ và sự sinh trưởng của cây. Ngoài ra, cây không thể sử dụng hết phân bón, sẽ bị rửa trôi hoặc bị cố định lại ở trong đất, dẫn đến lãng phí và ảnh hưởng xấu đến môi trường.

 

4. Bón đúng đối tượng

Bón phân có nghĩa là cung cấp dinh dưỡng cho cây. Do đó, đối tượng của việc bón phân là cây trồng. Ngoài ra một số chất dinh dưỡng được tập đoàn vi sinh vật đất cung cấp cho cây thông qua việc phân hủy các chất hữu cơ hoặc cố định từ không khí. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học cho thấy, bón phân để kích thích và tăng cường hoạt động của tập đoàn vi sinh vật đất nhằm cung cấp cho cây một số chất dinh dưỡng cần thiết với số lượng đầy đủ và cân đối. Trong trường hợp này, đối tượng gần nhất của phân bón là tập đoàn vi sinh vật đất.

Trong canh tác, cũng có trường hợp cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt tạo nên nguồn thức ăn dồi dào cho sâu bệnh gây hại nặng hơn. Những trường hợp này, khi bón phân cần nhằm đạt mục tiêu là ngăn ngừa sự tích lũy và gây hại của sâu bệnh.

Bón phân còn có tác dụng làm tăng khả năng chống chịu của cây trồng đối với các điều kiện không thuận lợi trong môi trường và với sâu bệnh gây hại. Trong các loại phân, kali thường được sử dụng trong trường hợp này. Như vậy, bón phân không chỉ để cung cấp dinh dưỡng, thúc đẩy sinh trưởng và phát triển của cây trồng, mà còn có những trường hợp bón phân nhằm tác động theo chiều hướng ngược lại, nhằm kìm hãm bớt tốc độ sinh trưởng và phát triển, làm tăng tính chống chịu của cây trồng.

Như vậy, đối tượng của bón phân là cây trồng, tập đoàn vi sinh vật đất... Cần chọn đúng đối tượng để tác động nhằm nâng cao hiệu quả của phân bón.

5. Bón đúng thời tiết, mùa vụ

Thời tiết có ảnh hưởng đến hiệu quả của phân bón. Mưa có thể làm rửa trôi phân bón, cây không thể hấp thụ được, gây lãng phí về kinh tế và ô nhiễm môi trường. Nắng gắt cùng với các phản ứng của phân bón có thể gây nên hiện tượng cháy lá, chết cây... Đặc điểm sinh trưởng và phát triển của cây trồng ở từng vụ khác nhau, nên nhu cầu đối với các nguyên tố dinh dưỡng khác nhau. Lựa chọn đúng loại phân, dạng phân và thời vụ bón hợp lý có thể nâng cao hiệu suất sử dụng phân bón trong sản xuất.

6. Bón đúng cách

Có nhiều phương pháp bón phân: Bón vào hố, bón vào rãnh, bón rải trên mặt đất, hòa vào nước để phun lên lá, bón phân kết hợp với tưới nước...

Có nhiều thời kỳ bón phân: Bón lót, thúc ra hoa, thúc đậu quả... cần lựa chọn đúng cách bón, thích hợp cho từng loại cây trồng, cho từng thời vụ canh tác, từng loại đất... sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón trong sản xuất nông nghiệp.

 

Nguyễn Minh Trường - TTKN Lâm Đồng

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên

Bình luận